Nghề nuôi yến dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh

Thứ tư - 18/09/2019 12:18
Tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của Việt Nam là rất lớn với sản lượng tổ yến hiện đạt trên 68 tấn/năm.
Chế biến yến sào
Chế biến yến sào

Ngành nuôi yến đang trên đà phát triển nhanh nhưng để duy trì hiệu quả một cách bền vững, cần có giải pháp quy hoạch nuôi hợp lý và chiến lược xây dựng thương hiệu yến sào Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại đã xuất hiện lẻ tẻ từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam bộ.

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển khá mạnh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Hiện cả nước có 42/63 tỉnh thành nuôi yến với trên 8.300 nhà yến, sản lượng tổ yến đạt trên 68 tấn/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, nghề nuôi chim yến và khai thác các sản phẩm từ yến thật sự là ngành chăn nuôi quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm yến sào có giá trị dinh dưỡng rất cao, chủ yếu được xuất khẩu với giá từ 1.500 - 2.000 USD/kg, đem về khoản ngoại tệ từ 100 - 125 triệu USD mỗi năm.

Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của Việt Nam là rất lớn.

Nhiều tỉnh có lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt để phát triển nghề nuôi chim yến, tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy, vì giá trị kinh tế cao nên nghề nuôi chim yến có xu hướng phát triển mang tính tự phát ở nhiều địa phương mà chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất theo ngành hàng cũng như thương hiệu cho sản phẩm. Điều này dẫn đên việc mua bán thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, chưa có giá trị gia tăng cao vì chủ yếu được xuất khẩu thô.

Bên cạnh đó, việc nuôi theo phong trào mà chưa có định hướng phát triển dài hạn còn đặt ra nhiều thách thức về quản lý an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng yến sào.

Hiện nay Tp.Hồ Chí Minh có gần 600 nhà yến, tập trung ở huyện Cần Giờ, sản lượng yến sào đạt hơn 14 tấn mỗi năm. Nghề nuôi yến đang tạo công ăn việc làm và cho thu nhập tốt, vì vậy khả năng phát triển trong những năm tới là rất lớn và cần được khai thác có hiệu quả.

Về thị trường, ông Vi Tích Thần, Tham tán thương mại, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm yến sào của Trung Quốc là rất lớn và đây sẽ là thị trường xuất khẩu yến chủ yếu của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo ông Vi Tích Thần, Trung Quốc với dân số hơn 1,3 tỷ người, kinh tế phát triển nhanh, mức sống người dân được nâng cao đang tiêu thụ tới 80% sản lượng yến sào trên toàn cầu.

Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng sản phẩm an toàn thực phẩm của người dân Trung Quốc cũng ngày càng cao hơn, vì vậy, các cơ sở chế biến yến sào của Việt Nam cần nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nghề nuôi yến được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới do hiệu quả kinh tế cao và nhu cầu thị trường lớn.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là phải quy hoạch nhà nuôi cho hợp lý, quản lý kiểm dịch, đẩy mạnh khâu chế biến sâu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng yến phù hợp để xây dựng thương hiệu cho yến sào Việt Nam.

Theo ông Trần Thanh Nam, mặc dù nghề nuôi chim yến đã xuất hiện ở nhiều địa phương tuy nhiên không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện để phát triển nghề nuôi chim yến.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ định hướng quy hoạch vùng nuôi chim yến, trong đó đề nghị các tỉnh, thành thống kê báo cáo thực trạng, số lượng các nhà yến trên địa bàn và đề xuất vùng nuôi hợp lý.

Tránh tình trạng người dân nuôi tự phát một cách tràn lan, sử dụng nhà ở để nuôi yến gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân.

Thêm vào đó, nghề nuôi yến phải được quản lý như một nghề chăn nuôi, cụ thể, Luật Chăn nuôi cần quy định cụ thể cơ quan chức năng có thẩm quyền để hướng dẫn, kiểm soát và giải quyết các vấn đề phát sinh như dịch bệnh, vệ sinh môi trường…

Ông Nguyễn Phước Trung đề xuất, để đảm bảo phát triển nghề nuôi yến bền vững về lâu dài, cần xây dựng và phát triển thương hiệu cho yến sào, không chỉ ở quy mô doanh nghiệp mà trở thành thương hiệu quốc gia, giúp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài việc phát triển nhà nuôi, hướng dẫn kỹ thuật dẫn dụ, khai thác tổ yến hiệu quả, cần đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ yến để nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế cho người nuôi cũng như ngành nông nghiệp nói chung.

Bà Đỗ Tú Quân, Giám đốc Công ty Yến Quân cho rằng, nghề nuôi chim yến phải được quy hoạch mới có thể nâng cao chất lượng yến sào đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Việc quy hoạch vùng nuôi cũng là tiền đề để các doanh nghiệp ngành yến hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phối hợp quản lý chất lượng yến sào Việt Nam từ nhà yến đến cơ sở chế biến và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cần hỗ trợ các nhà yến sản xuất sản phẩm yến đạt tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy ngành yến Việt Nam phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững./

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây